Diễn biến trên bộ Mặt_trận_Baltic_(1941)

Thị trấn biên giới Tauragė đổ nát sau các trận đánh và rơi vào tay quân đội Đức Quốc xã ngày 22-6-1941

Ngày 22 tháng 6 năm 1941, Cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) phát động tấn công. Do tập trung được các lực lượng và phương tiện mạnh, đạt được ưu thế tạm thời gấp 5 đến 8 lần về binh lực và vũ khí nặng trên các mũi tấn công chính nên ngay từ đầu, Bộ Tư lệnh cụm tập đoàn quân Bắc (Đức) đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Từ vùng giáp ranh Ba Lan-Đông Phổ, tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) khoan sâu và chia cắt trận tuyến của quân đội Liên Xô tại chỗ tiếp giáp giữa tập đoàn quân 8 và tập đoàn quân 11, đẩy tập đoàn quân 8 (Liên Xô) về hướng RigaTallinn, dồn tập đoàn quân 11 về phía Nam, đe dọa đánh sập toàn bộ cánh Bắc của Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô).

Trận phòng ngự tại Alytus

Bài chi tiết: Trận Alytus

Ngày 22 tháng 6, tại thị trấn Alytus, phía nam Kaunas (thuộc Litva) 80 km đã diễn ra một trong những trận đánh xe tăng đầu tiên trong Chiến tranh Xô-Đức. Trong trận này, Tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức) do tướng Hermann Hoth chỉ huy đã sử dụng Sư đoàn xe tăng 7 do thiếu tướng G. von Funk chỉ huy và Sư đoàn xe tăng 20 do trung tướng H. Stumpf chỉ huy gồm hơn 500 xe tăng để chống lại Sư đoàn xe tăng 5 và 2 sư đoàn dự bị của Tập đoàn quân 11 (Liên Xô) có 229 xe tăng BT-7, 25 xe bọc thép T-26, 57 xe bọc thép T-28 và 50 xe tăng T-34 nhưng chỉ có hơn 150 xe còn hoạt động được.[14]

Các quân đoàn xe tăng và cơ giới của tướng Hermann Hoth sau khi đánh vòng qua các khu phòng thủ Suwałki và Osowiec, đánh chiếm Grodno đã tăng tốc độ hành quân để đánh chiếm Kaunas và Vilnius trong thời gian sớm nhất nhằm vây bọc phía sau 3 tập đoàn quân Liên Xô đang chiến đấu tại Tây Belorussia. Quân đoàn cơ giới 57 có Sư đoàn xe tăng 12 đi trước mở đường tấn công theo hướng đến Merkinė. Quân đoàn cơ giới 39 có các sư đoàn xe tăng 7 và 20 dẫn đầu tấn công theo hướng đến Alytus. Quân đoàn bộ binh 5 (có hai sư đoàn) tấn công theo xe tăng tại địa đoạn giữa Merkinė và Alytus. Quân đoàn bộ binh 6 (có hai sư đoàn) tấn công chếch lên phía Bắc tuyến Alytus - Neman hướng tới Prienai, yểm hộ sườn trái cho Quân đoàn cơ giới 39.[15]

Đối diện với quân Đức trong khu vực Alytus là các sư đoàn bộ binh 23, 126, 128 thuộc thê đội dự bị của Tập đoàn quân 11 được giao nhiệm vụ bảo vệ các tiền đồn biên giới và xây dựng các công sự củng cố khu vực Alytus. Trong khu vực Alytus còn có Sư đoàn xe tăng 5 thuộc Quân đoàn cơ giới 3 (Liên Xô), các đại đội phòng thủ vùng biên giới được đặt dưới quyền chỉ huy của Đoàn biên phòng 29 đóng tại Varėna, các đơn vị pháo binh của quân đoàn và trung đoàn bộ binh 184.[16]

Sáng sớm ngày 22 tháng 6, sau các cuộc pháo kích và ném bom của quân đội Đức, quân đội Xô Viết tại khu vực Alytus bị tấn công bởi hai sư đoàn xe tăng của Quân đoàn cơ giới 39 và hai sư đoàn bộ binh thuộc Quân đoàn bộ binh 5. Sức chống cự của sư đoàn bộ binh 128 (Liên Xô) nhanh chóng bị các đơn vị xe tăng Đức đè bẹp. Tư lệnh sư đoàn, thiếu tướng A. S. Zotov bị bắt làm tù binh. Bộ phận còn lại của sư đoàn phải phân tán thành từng nhóm nhỏ vượt sông Neman rút lui theo hướng đến sông Tây Dvina.[8]

Ngày 22 tháng 6, trong khi các đơn vị xe tăng Đức đã dồn quân đội Liên Xô đến bờ Tây sông Neman, Bộ tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm tạm thời điều chuyển hai quân đoàn bộ binh của tập đoàn quân xe tăng 3 cho tập đoàn quân dã chiến 9. Các sư đoàn xe tăng 7 và 20 của quân đoàn cơ giới 39 xông đến Alytus, cố gắng đánh chiếm hai cây cầu vượt sông trong hành tiến. Khoảng trưa ngày 22 tháng 6, các đơn vị đi trước của sư đoàn xe tăng 5 (Liên Xô) đã đụng độ với hai sư đoàn xe tăng Đức tại ngoại vi Alytus. Sau các trận không kích và pháo kích của tập đoàn quân không quân 8 do tướng Wolfram von Richthofen chỉ huy, các sư đoàn xe tăng của tập đoàn quân xe tăng 3 đã chiếm được cả hai cây cầu và phá vỡ tuyến phòng thủ phía đông sông Neman. Các đơn vị của Bộ Nội vụ Liên Xô được giao nhiệm vụ với việc bảo vệ cầu và các đội công binh phá nổ đã không thể làm bất cứ điều gì để lật đổ hai cây cầu.[8]

Trên bờ đông sông Neman, các lực lượng chính của sư đoàn xe tăng 5 (Liên Xô) đã tham chiến và chặn được xe tăng Đức trong thị trấn Alytus. Cuộc chiến tại Alytus tiếp diễn cho đến cuối buổi tối ngày 22 tháng 6. Sáng ngày 23 tháng 6, trong tình trạng bị nửa hợp vây tại Alytus trên bờ phía đông sông Neman, chủ lực của Sư đoàn xe tăng 5 đã phải giao chiến với hai sư đoàn xe tăng của Quân đoàn cơ giới 39 (Đức). Dưới áp lực của lực lượng đối phương vượt trội, đến khoảng 8 giờ sáng, sư đoàn hầu như đã tiêu thụ hết nhiên liệu và đạn dược, phải vừa đánh, vừa lùi về hướng Vilnius dưới áp lực nặng nề của không quân Đức.[17]

Cựu tư lệnh tập đoàn quân xe tăng 3 (Đức), tướng Hermann Hoth viết trong hồi ký của mình:

Các chỉ huy các trung đoàn của tôi đều báo cáo về các trận xe tăng chiến cực kỳ ác liệt. Một số đơn vị xe tăng của đối phương được trang bị kém hơn đã dốc toàn lực để tiến hành một trận duy nhất. Các tàn quân của bộ phận này đã rút lên phía đông bắc và tiếp tục chống trả một vài ngày sau cho đến khi nó bị mất nốt những chiếc xe tăng cuối cùng. Các nỗ lực đầu tiên của người Nga để ngăn chặn cuộc tấn công của chúng tôi theo hướng này gần như đã thất bại.
— Hermann Hoth, [18]

A. V. Isaev dẫn bằng chứng trong trận chiến với xe tăng Đức của trung tá Khorsta Orlov:

Trận xe tăng chiến tại Alytus của Sư đoàn xe tăng 5 chúng tôi có lẽ là trận chiến khó khăn nhất tại giai đoạn này của cuộc chiến tranh.[19]

Cho đến nay, vẫn chưa có số liệu chính xác về thiệt hại của hai bên trong trận đấu tăng tại Alytus. Tướng Hermann Hoth báo cáo về việc đã phá hủy 70 xe tăng của Liên Xô và người Đức mất 11 xe tăng. Nhưng lại có một điều hiển nhiên là quân đội Liên Xô đã bỏ lại tại Alytus nhiều xe tăng đã hư hỏng từ trước trận đánh mà không thể sửa chữa và chúng được tướng Hermann Hoth tính cả vào chiến tích của mình.[14]

Sau khi bị đánh bật khỏi Alytus, chiều 23 tháng 6, Sư đoàn xe tăng 5 (Liên Xô) còn tham gia một trận đánh nữa ở ngoại ô phía Tây Nam Vilnius và tiếp tục bị tổn thất. Số quân và phương tiện còn lại của nó tiếp tục rút lui. Đến ngày 24 tháng 6, sư đoàn này được nhập vào biên chế Tập đoàn quân 13 tại khu vực Molodechno (Belorussia). Sư đoàn còn lại 15 xe tăng, 20 xe bọc thép và 9 khẩu pháo. Ngày 26 tháng 6, sư đoàn về đến Borisov và tiếp tục được rút về Kaluga để tổ chức lại.[8]

Cuộc phản công của Quân đoàn cơ giới 3 (Liên Xô)

Xem thêm: Trận Raseiniai
Xe tăng Pz-IV của quân đội Đức Quốc xã bị bắn hỏng gần Kaunas

Quân đoàn thiết giáp 41 (Đức) đã phá vỡ tuyến phòng thủ của Quân đoàn bộ binh 11 (Liên Xô) tại chính diện do Sư đoàn bộ binh 125 (Liên Xô) phụ trách, chiếm Tauragė và bắt đầu triển khai toàn bộ đội hình tấn công theo hướng Raseiniai, đánh bại và loại Sư đoàn bộ binh 48 (Liên Xô) khỏi vòng chiến đấu. Quân đoàn xe tăng 56 của tướng Erich von Manstein đã thực hiện một cuộc đột kích sâu đến 60 km và chiếm được cây cầu bắc qua con sông Dubysa tại thị trấn Ariogala. Tập đoàn quân xe tăng 3 của tướng Hermann Hoth tấn công chính diện dải phòng ngự của Quân đoàn bộ binh 29 (Liên Xô) tại khu vực "mũi nhô" Suwałki theo hướng chung đến Alytus, Merkinė và ngay trong ngày đầu tiên đã đột phá đến sông Neman. Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) sử dụng Sư đoàn xe tăng 5 do đại tá F. F. Fiodorov chỉ huy đã tạm thời chặn được xe tăng Đức trước cửa ngõ Alytus trên bờ sông Neman.[20]

Trong một cố gắng để khôi phục lại tình hình, lúc 9 giờ 45 phút ngày 22 tháng 6, thượng tướng F. I. Kuznetsov, tư lệnh Phương diện quân Tây Bắc đã ra lệnh đưa các quân đoàn cơ giới 3 và 12 từ lực lượng dự bị vào trận và tấn công theo hướng chung đến Tilsit để đánh vào sau lưng các cánh quân xe tăng Đức đã đột phá vào dải phòng ngự của Tập đoàn quân 8. Cụm cơ động được phái đi trước do đại tá P. P. Poluboyarov chỉ huy. Lúc 10 giờ cùng ngày, sư đoàn xe tăng 28 thuộc quân đoàn cơ giới 12 (Liên Xô) mới đến được Šiauliai và triển khai trước cửa ngõ Skaudvilė. Sư đoàn bộ binh 23 (Liên Xô) được giao nhiệm vụ phối hợp hành động với sư đoàn bộ binh 10 thuộc quân đoàn bộ binh 8 tổ chức tấn công chiếm lại Tauragė từ 12 giờ 00 ngày 23 tháng 6. Sư đoàn cơ giới 202 để lại lữ đoàn 9 bảo vệ Šiauliai. Quân đoàn cơ giới 3 được lệnh phải hành quân trong đêm đến khu vực Raseiniai và mở cuộc tấn công vào Skaudvilė lúc rạng sáng.[16]

Xe tăng T-28 của quân đội Liên Xô bị bắn hỏng gần Kaunas

Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) cho rằng Sư đoàn xe tăng 5 có thể giữ được khu vực của Alytus nên đã điều Sư đoàn xe tăng 2 và Sư đoàn cơ giới 84 với trang bị tổng cộng 250 xe tăng và xe bọc thép, trong đó có 15 xe tăng KV đến tăng cường cho Tập đoàn quân 11 đã bị yếu đi sau các trận phòng ngự trên cửa ngõ xa dẫn vào Kaunas.[21]

Sáng ngày 23 tháng 6, trong khi đang chuyển quân từ Kėdainiai đến Raseiniai, hai sư đoàn này đã bất ngờ đụng độ với Sư đoàn xe tăng 6 thuộc Quân đoàn thiết giáp 41 (Đức) trên bờ tây sông Dubysa. Trong cuộc tao ngộ chiến, các pháo chống tăng 88 mm và các cuộc không kích của máy bay Đức đã không gây được thiệt hại đáng kể đối với xe tăng KV. Trận đánh giữa 2 sư đoàn thiết giáp Liên Xô và Sư đoàn xe tăng 6 Đức tiếp tục trong suốt ngày hôm sau. Do không được tiếp tế kịp thời nhiên liệu và đạn dược, các cuộc đột kích của xe tăng Liên Xô thường bị gián đoạn và tổn thất nặng. Một bộ phận xe tăng bắt đầu rút lui. Quân đoàn bộ binh 11 (Liên Xo) bị nửa hợp vây và đứt liên lạc với sở chỉ huy tập đoàn quân 8. Ngày 26 tháng 6 một binh đội xe tăng Đức và bộ binh cơ giới đã tấn công tập hậu vào Sở chỉ huy quân đoàn cơ giới 3 (Liên Xô). Trong trận chiến, thiếu tướng E. N. Soniankin, chỉ huy Sư đoàn xe tăng 2 tử trận. Quân đoàn cơ giới 3 lùi dần về phía Đông.[22]

Trận xe tăng tao ngộ chiến tại Raseiniai được dựng lại tại một trong những tập phim tuyên truyền Cuộc chiến tranh chưa được biết đến về Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại, khi một xe tăng KV duy nhất còn lại của Liên Xô đã chặn đường tiến của Sư đoàn xe tăng 6 (Đức).[23]

Cuộc phản công của Quân đoàn cơ giới 12 (Liên Xô)

Cũng như Quân đoàn cơ giới 3, Quân đoàn cơ giới 12 không được trang bị nhiều xe tăng tốt. Mặc dù cả hai quân đoàn có trong biên chế đến 700 xe cho mỗi quân đoàn nhưng phần lớn là xe tăng hạng nhẹ BT-7, xe bọc thép T-26 và một số ít xe tăng T-28. Toàn bộ số xe tăng KV đều được biên chế vào Quân đoàn cơ giới 3. Các Sư đoàn xe tăng 23 và 28 được lệnh tấn công ngay trong sáng sớm 23 tháng 6 và đột phá theo hướng chung đến Skaudvilė. Tuy nhiên, trong khi di chuyển vào các vị trí xuất phát tấn công, họ đã phải chịu tổn thất nặng từ các cuộc oanh kích của máy bay Đức. Sư đoàn 23 mất 17 xe tăng, Sư đoàn 28 mất đến 27 chiếc. Tình hình còn nặng nề thêm khi Sư đoàn xe tăng 28 đã đến vị trí xuất phát tấn công thì hết sạch nhiên liệu và phải dừng lại. Còn Sư đoàn 23 thì lại được phân tán để yểm hộ cho các sư đoàn của quân đoàn bộ binh 10 đang rút lui từ khu vực Palanga về.[16]

Đến khoảng 22 giờ ngày 23 tháng 6, chỉ còn có Sư đoàn xe tăng 28 của Liên Xô chống chọi với Sư đoàn xe tăng 1 thuộc Quân đoàn thiết giáp 41 (Đức) và cả hai bên đều thiệt hại nặng. Đến tối, Sư đoàn xe tăng 23 mới tập trung lại được tại khu vực phụ cận Laukuva. Các đơn vị Liên Xô đều hoạt động phân tán. Nhiên liệu và đạn dược đã vơi cạn nghiêm trọng. Họ cũng không nhận được sự yểm hộ từ trên không do hầu như toàn bộ máy bay Liên Xô đậu tại sân bay Grodno đã bị quân Đức phá hủy hoặc chiếm được. Một số máy bay có sơn ngôi sao đỏ do phi công Đức điều khiển đã trút bom xuống đội hình mặt đất của quân đội Liên Xô. Và chỉ đến khi một chiếc MiG-1 bị bắn rơi gần Brest, người ta mới xác định được việc không quân Đức đã sử dụng các máy bay của Liên Xô để chống lại chính họ.[24] Tối 24 tháng 6, Quân đoàn cơ giới 12 bị buộc phải rút lui.

Tuy nhiên, đến sáng 25 tháng 6, Bộ Tư lệnh phương diện quân Tây Bắc hạ lệnh cho quân đoàn phải tiếp tục tấn công. Sư đoàn xe tăng 28 đã tấn công vào làng Pašilė (bắc Kaltinėnai). Một số đơn vị đã thâm nhập vào sâu tuyến chiếm đóng của quân Đức, đánh thiệt hại nặng một trung đoàn cơ giới Đức và tiếp tục mở rộng tấn công trên con đường cao tốc đến Šiauliai. Các trận chiến ác liệt kéo dài trong 4 giờ. Lúc 15 giờ 00, những đơn vị còn lại của sư đoàn co cụm trong các khu rừng phía đông bắc Pašilė. Sư đoàn xe tăng 23 cũng tham gia phản công và bị tổn thất nặng. Việc chống giữ Šiauliai chỉ còn trông chờ vào Lữ đoàn pháo chống tăng 9 và Sư đoàn cơ giới 202.[25]

Ngày 26 tháng 6, những lực lượng còn lại của Quân đoàn cơ giới 12 (Liên Xô) buộc phải rút lui sau khi đã bị tổn thất đến hơn 70% xe tăng và hơn 50% quân số. Ngày 28 tháng 6, Sở chỉ huy Quân đoàn cơ giới 12 bị quân Đức tập kích. Tư lệnh quân đoàn, N. M. Shestopalov đã bị thương nặng và bị bắt làm tù binh (ông mất tại trại giam của quân Đức ngày 2 tháng 8 năm 1941). Nhiều sĩ quan và binh sĩ Liên Xô đã bị giết trong khi sử dụng những giọt xăng dầu cuối cùng, những viên đạn cuối cùng để phá vây.[17]

Cuộc chiến phòng thủ tại Šiauliai mặc dù có sự hợp lực của Sư đoàn cơ giới 202 nhưng bản thân sư đoàn này cũng bị tổn thất nặng do không quân Đức Quốc xã hầu như làm chủ bầu trời và liên tục không kích vào các đoàn xe tăng, cơ giới Liên Xô. Ngày 26 tháng 6, Lữ đoàn pháo chống tăng 9 đã bắn những viên đạn cuối cùng vào đoàn xe của Sư đoàn xe tăng 1 (Đức). Sư đoàn cơ giới 202 (Liên Xô) bị Sư đoàn xe tăng 6 và Sư đoàn cơ giới 36 (Đức) đánh bật khỏi thành phố. Chiều 26 tháng 6, Sư đoàn cơ giới 36 (Đức) chiếm Šiauliai.[25]

Trận phòng ngự Liepāja

Trong khi chủ lực của Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) đang vật lộn với các sư đoàn xe tăng và bộ binh Đức tại chiến trường chính hai bên bờ sông Nemen thì Sư đoàn bộ binh 291 (Đức) do thiếu tướng Kurt Herzog chỉ huy được tăng cường 2 tiểu đoàn thủy quân lục chiến, 1 tiểu đoàn đổ bộ đường không, các đơn vị pháo binh và 1 đoàn tàu hỏa bọc thép từ Klaipėda tấn công dọc theo bờ biển lên phía Bắc đến Liepāja. Quân đội Liên Xô trên hướng này chỉ có Sư đoàn bộ binh 67 do thiếu tướng Nikolai Alekseyevich Dedayev chỉ huy, Cụm căn cứ hải quân Libava do Hạm trưởng Mikhail Sergeyevich Klevensky chỉ huy, Trung đoàn không quân 148, Phi đội 43 của Hải quân Baltic và tiểu đoàn học viên Trường Hải quân. Tại căn cứ Libava, Hạm đội Baltic có 8 tàu ngầm đang sửa chữa (trong tổng số 15 chiếc đang sửa chữa), 5 tàu phóng ngư lôi, 13 tàu quét mìn, 19 tàu vận tải, 12 khẩu đội pháo bờ biển, 1 tiểu đoàn súng máy phòng không.[26]

Ngay trong loạt bom đầu tiên được ném xuống sân bay Liepāja lúc 3 giờ 55 phút sáng 22 tháng 6, không quân Đức đã loại khỏi vòng chiến đấu các thủy phi cơ của Phi đội 43 và phá hủy 8 máy bay chiến đấu của Trung đoàn không quân 148 (Liên Xô). Không quân Liên Xô chỉ hạ được 3 máy bay Đức và phải đổi bằng 7 chiếc bị bắn rơi trong không chiến. 4 giờ sáng, các sư đoàn bộ binh 61 và 270 (Đức) có xe bọc thép yểm hộ đã đánh bật Sư đoàn bộ binh 10 (Liên Xô) khỏi khu vực vành đai biên giới phía Đông Klaipėda và hình thành vòng vây xung quanh sư đoàn này tại khu vực giữa KretingaPalanga. Thiếu tướng Ivan Ivanovich Fadeev, chỉ huy sư đoàn này buộc phải đưa sư đoàn rút lui về Jelgava. Tuyến phòng thủ của Liên Xô ở phía Nam Liepāja bị vỡ một mảng lớn.[27]

Tướng N. A. Dedayev định điều các trung đoàn bộ binh 114 và 281 tiến xuống phía Nam để chặn đánh quân Đức nhưng lúc 6 giờ cùng ngày, quân Đức đã chiếm thị trấn biên giới Palanga và bắt đầu tấn công lên phía Bắc. Tướng Kurt Herzog đưa cả hai trung đoàn bộ binh 504 và 505 lên tàu bọc thép di chuyển đến phía Nam Liepāja. Số quân còn lại và hai tiểu đoàn lính thủy đánh bộ (Đức) được chở bằng tàu biển. Từ ngoài khơi Liepāja, các chiến hạm Đức bắt đầu nã pháo vào thành phố. 9 giờ sáng 22 tháng 6, toàn bộ Hạm đội Baltic (Liên Xô) nhận được lệnh thiết lập các hàng rào mìn để bảo vệ các căn cứ hải quân từ phía biển. Các tàu ngầm được lệnh ra khơi. Tướng N. A. Dedayev hủy bỏ ý định chặn đánh quân Đức từ xa. Ông ra lệnh đặt thành phố vào tình trạng quân quản, thiết lập ba khu phòng thủ trên bộ tại phía Bắc, phía Đông, phía Nam Liepāja và thành lập lực lượng dân quân bảo vệ thành phố gồm 3 tiểu đoàn với hơn 1.500 người được huy động từ Nhà máy đóng tàu Tosmare, Nhà máy luyện kim Sarkanais Metalurgs, nhà máy than cốc Liepāja, Nhà máy đường, Xưởng gỗ và các cơ quan chính quyền thành phố. Thường dân và những người không có nhiệm vụ được di tản về Riga bằng đường sắt, đường bộ và tàu phà ven biển.[28]

Ngày 23 tháng 6, Kurt Herzog mở cuộc tấn công đầu tiên dọc theo bờ biển vào thành phố từ phía Nam trên tuyến sông Barta nhưng không thành công. Hỏa lực pháo binh của Tiểu đoàn pháo bờ biển 27 đã chặn đứng Trung đoàn 506 (Đức) trên tuyến sông này. Chiều 23 tháng 6, các trung đoàn bộ binh 504, 505 (Đức) đánh vòng sang các thị trấn PriekulėGrobiņa để chiếm các bàn đạp tấn công thành phố từ phía Đông. Chiều 23 tháng 6, Đô đốc Vladimir Filipovich Tributz, tư lệnh Hạm đội Baltic ra lệnh di chuyển các tàu pháo, tàu phóng lôi, tàu ngầm ra khỏi cảng Liepāja, hình thành một tuyến bảo vệ ngoài khơi cách bờ biển khoảng 10 km. Trong hành lang đó, các tàu vận tải di chuyển về cảng Ventspils và về Riga. Trong quá trình di chuyển, 8 tàu vận tải và 1 tàu chở dầu đã bị không quân Đức đánh đắm. Các tàu ngầm M-78 của Hạm đội Baltic đã làm nổ tung 2 pháo hạm của quân Đức.[29]

Sáng 24 tháng 6, quân Đức mở một cuộc oanh tạc lớn vào quân cảng và cảng hàng hải Liepāja. Cả thành phố rung chuyển vì các vụ nổ lớn. Tàu khu trục "Lenin" bị trúng bom tại cảng và hỏng nặng. Hạm trưởng bậc 1 M. S. Klevensky, chỉ huy căn cứ hải quân Libava buộc phải cho nổ tung con tàu này. Cuối ngày, các Trung đoàn bộ binh 56 và 281 (Liên Xô) với sự yểm hộ của Trung đoàn pháo binh 242 (Liên Xô) đã mở cuộc phản kích tại phía Đông thành phố, quân Đức bị đẩy lùi về khu rừng Ilgskom. Một cuộc phản kích khác cũng được Trung đoàn bộ binh 114 (Liên Xô) và Tiểu đoàn hải quân đánh bộ 32 thuộc Hạm đội Baltic tiến hành tại khu vực Grobiņa nhưng không thành công. Quân Đức có đoàn tàu bọc thép và máy bay yểm hộ đã đẩy lùi Trung đoàn 114 về vị trí xuất phát. Tình hình phòng thủ Liepāja của quân đội Liên Xô xấu đi do các tiểu đoàn thủy quân lục chiến (Đức) đã đánh vòng lên bờ biển phía Bắc thành phố, đe dọa bao vây Liepāja từ ba phía.[27]

Trong các ngày 25 và 26 tháng 6, Liepāja tiếp tục hứng chịu các đợt không kích nặng nề của không quân Đức, một số đường phố như Aldar, Graud Vitol, Brivzemnieka, Helnaz đã trỏ thành những đống đổ nát. Sư đoàn bộ binh 291 Đức vừa gia tăng sức ép lên các tuyến phòng thủ trên cả ba hướng Bắc, Đông và Nam vừa uy hiếp cảng Ventspils lúc này chỉ có những đội trắc vệ mỏng yếu của hải quân đánh bộ bảo vệ. Mặc dù Hạm đội Baltic đã sử dụng tối đa lực lượng tàu ngầm và tàu vận tải tiếp tế cho Sư đoàn bộ binh 67 (Liên Xô) và các đơn vị bảo vệ thành phố nhưng tình hình ngày một xấu đi nghiêm trọng. Ngày 26 tháng 6, Sư đoàn cơ giới 36 được điều động từ thê đội 2 của Tập đoàn quân 18 bắt đầu tấn công từ Mažeikiai vào tuyến phòng thủ phía Đông thành phố, đánh chiếm thị trấn Priekulė, một vị trí then chốt trong tuyến phòng thủ phía Đông Liepāja của quân đội Liên Xô. Phía sau Priekulė, Sư đoàn 67 chỉ còn tiểu đoàn học viên Trường Bộ binh Riga đang thực tập tại Liepāja hầu như chỉ có vũ khí bộ binh cá nhân là lực lượng dự bị cuối cùng.[30]

Việc quân Đức đột nhập vào thành phố chỉ còn là vấn đề thời gian. Hồi 6 giờ ngày 27 tháng 6, đại tá V. M. Bobovich, tham mưu trưởng Sư đoàn 67 nắm quyền chỉ huy sư đoàn thay thiếu tướng N. V. Dedayev tử trận ngày 25 tháng 6 đã ra lệnh triệt thoái khỏi Liepāja. Cánh quân trên bộ gồm Trung đoàn bộ binh 114, 4 tiểu đoàn bộ binh còn lại của các trung đoàn 56, 281 và các đơn vị khác đột kích lên phía Bắc dọc theo bờ biển hường về căn cứ hải quân Ventspils. Hơn 2.000 người bị thương trong bệnh viện Liepāja được đưa lên tàu cứu thương "Vieniba" có treo cờ chữ thập đỏ sơ tán về Riga bằng đường biển. Các khẩu đội pháo bờ biển đã bắn đi 10 viên đạn cuối cùng mở màn cho cuộc rút quân trước khi đặt chất nổ phá hủy các khẩu pháo.[31] Một số nhóm dân quân Komsomol ở lại thành phố để cản hậu quân Đức. Cuộc rút quân diễn ra không thành công. Phần lớn đội hình trên bộ liên tục bị quân Đức tập kích vào bên sườn và trên không và bị tổn thất lớn. Các đại tá M. Buka, Ya. Zars, V. M. Bobovich (chỉ huy Sư đoàn 67), đại tá A. A. Tomilov, trưởng phòng đào tạo Trường bộ binh Riga đều tử trận. Trung đoàn 114 và tàn quân của các trung đoàn còn lại của Sư đoàn 67 không đủ sức để giữ Ventspils mà còn phải rút lui sâu hơn nữa về hướng Riga và liên lạc được với chủ lực Tập đoàn quân 8 tại Tukums.[31] Tàu bệnh viện "Vieniba" cũng không đi thoát. Nó bị không quân Đức đánh chìm vào sáng 27 tháng 6 khi vừa rời khỏi cảng Liepāja. Chỉ có 15 người trên tàu thoát chết.[32][33]

Trong các ngày 28 và 29 tháng 6, các nhóm Komsomol ở lại Liepāja vẫn tiếp tục chiến đấu trên các con phố. Tuy nhiên, với binh lực áp đảo, Sư đoàn 291 (Đức) đã hoàn thành thành phố việc đánh chiếm thành phố vào cuối buổi chiều ngày 29 tháng 6. Chỉ huy các nhóm Komsomol gồm chính trị viên A. Dundurs và đại úy B. A. Solovyov bị quân Đức xử bắn ngay sau khi bắt được cùng nhiều binh sĩ Liên Xô khác. Thành phố Liepāja bị tàn phá nặng nề. 170 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn. 450 ngôi nhà khác bị hư hại. Quân Đức chiếm được quân cảng Libava nhưng nó gần như rỗng không. Các tàu ngầm và tàu nổi đã được sơ tán về Riga và Tallinn (không kể những chiếc bị đánh chìm).[26]

Trận phòng ngự Riga

Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) tấn công trên hướng Riga

Sự thất bại của các cuộc phản công do các quân đoàn cơ giới 3 và 12 (Liên Xô) thực hiện tại các khu vực Kėdainiai, Šiauliai và cuộc phòng thủ thất bại của Sư đoàn bộ binh 67 (Liên Xô) tại Liepāja đã đặt thành phố Riga trong tình thế bị uy hiếp nặng nề. Sau khi chiếm Liepāja và Ventspils, Sư đoàn bộ binh 291 và Sư đoàn cơ giới 36 (Đức) tự do di chuyển đến phía Đông và phía Nam Riga dọc theo các con đường sắt Ventspils - Riga và Liepāja - Jelgava. Các quân đoàn bộ binh 26 và 38 (Đức) cũng bẻ gãy sức kháng cự của các sư đoàn bộ binh 10, 11, 48, 90 và 125 để tiến ra tuyến sông Tây Dvina. Tình hình bên cánh trái Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) còn nghiêm trọng hơn. Ngày 26 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 41 và Quân đoàn xe tăng 56 như hai mũi khoan thép đã đột nhập qua Panevėžys đến Subačius, nơi đóng sở chỉ huy Phương diện quân. Tướng F. I. Kuznetsov buộc phải rút sở chỉ huy sang hữu ngạn sông Tây Dvina.[34] Ngày 28 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) chiếm Daugavpils, Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) chiếm Krustpils, tạo lập một đầu cầu lợi hại trên bờ Đông sông Tây Dvina, đe dọa đánh vào sau lưng phòng tuyến sông Tây Dvina của quân đội Liên Xô.[35]

Sau các trận phản công thất bại của các quân đoàn cơ giới 3 và 12, Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) hầu như không còn các đơn vị xe tăng đủ sức chiến đấu. Ngày 26 tháng 6, STAVKA điều động Quân đoàn cơ giới 21 từ Quân khu Moskva đi tăng cường cho Phương diện quân Tây Bắc.[36] Trong khi quân đoàn này phải mất hai ngày để có thể đến được tuyến sông Tây Dvina thì chiều ngày 28 tháng 6, các sư đoàn xe tăng 8 và cơ giới 3 thuộc Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) đã vượt sông Tây Dvina tại Daugavpils, hình thành một bàn đạp tấn công thứ hai bên hữu ngạn con sông này.[37] Kế hoạch dựng phòng tuyến trên sông Tây Dvina của quân đội Liên Xô có nguy cơ phá sản. Tướng F. I. Kuznetsov phải điều Tập đoàn quân 27 của tướng N. E. Berzarin (chỉ có 4 sư đoàn bộ binh) từ Riga xuống chặn kích Quân đoàn xe tăng 41 (Đức) tại Krustpils trong khi Quân đoàn cơ giới 21 vừa từ Moskva đến buộc phải đổ quân xuống nhà ga Rēzekne và tiến xuống chặn kích tại phía Bắc Daugavpils. Quân đội Liên Xô phòng thủ tại Riga chỉ còn lại những đơn vị đã bị thiệt hại nặng của các sư đoàn bộ binh 67 (1/4 quân số ban đầu), 10, 23, 90 (mỗi sư đoàn chỉ còn lại 1/3 quân số ban đầu). Riêng Sư đoàn cơ giới 22 NKVD vẫn còn đủ quân số và các xe bọc thép, xe mô tô.[34]

Ngày 27 tháng 6, Hạm đội Baltic đã rút các tàu ngầm và tàu chiến khỏi cảng Riga. Tàu vận tải "Mariampol" được công binh hải quân đánh chìm tại cửa sông Tây Dvina để khóa cửa sông. Một tuyến thủy lôi cũng được rải thành một vòng cung trên vịnh Riga cách thành phố từ 8 đến 10 km để ngăn hải quân Đức đột nhập từ hướng biển. Tại cảng Riga chỉ còn lại 18 tàu của Liên Xô đang ở trên bờ để sửa chữa, 16 tàu vận tải, 8 tàu kéo và một số tàu vớt mìn đã được sơ tán về Tallinn.[33]

Ngày 28 tháng 6, Quân đoàn bộ binh 26 (Đức) bắt đầu tấn công vào Sư đoàn bộ binh 10 (chỉ còn lại Trung đoàn 62 đủ sức chiến đấu) và đánh bật Sư đoàn này sang bờ Bắc sông Tây Dvina. Sư đoàn bộ binh 67 (chỉ còn lại trung đoàn 144) đã quá suy yếu không thể cản được cuộc tấn công của ba sư đoàn bộ binh Đức. Thành phố Riga bị không quân Đức dội bom liên tục trong ngày và bốc cháy dữ dội.[38] Sau khi đánh chiếm khu Tây thành phố, quân Đức bắc cầu phao tại khu vực Kamennog (nay là nơi có cây cầu Kamenogo) và đột nhập sang khu Đông thành phố. Ở phía Nam Riga, quân Đức cũng vượt sông Tây Dvina tại khu vực pháo đài BauskaIkšķile. Ngày 29 tháng 6, đã nổ ra các trận tao ngộ chiến giữa Sư đoàn bộ binh 61 (Đức) với quân Liên Xô tại khu vực chợ trung tâm thành phố. Quân đội Liên Xô không chỉ phải chống lại quân Đức mà còn bị những người của lực lượng bán vũ trang Aizsargi (một tổ chức dân quân Latvia bị giải thể ngày 23 tháng 6 năm 1940) bắn vào sau lưng.[39] Ngày 30 tháng 6, các quân 26 và 38 Đức đồng loạt vượt sông Tây Dvina, buộc Tập đoàn quân 8 (Liên Xô) phải rút khỏi phòng tuyến sông Tây Dvina lên phía Bắc, lập tuyến phòng thủ mới tại khu vực Pärnu - Viljandi - Tartu để bảo vệ Tallinn.[5]

Trận phản công tại Daugavpils

Nhiệm vụ ban đầu được STAVKA giao cho tướng D. D. Lelyushenko là sử dụng Quân đoàn cơ giới 21 gồm 98 xe tăng và 129 pháo các loại phối hợp với Sư đoàn đổ bộ đường không 5 và Cụm đặc nhiệm do trung tướng S. D. Akimov (gồm các trung đoàn xe tăng còn lại của Quân đoàn cơ giới 12) khôi phục tại tình hình trên bờ Tây sông Tây Dvina. Tuy nhiên, quân đội Đức Quốc xã đã đi trước quân đội Liên Xô một bước. Sau khi đánh chiếm Kaunas ngày 24 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 56 và Quân đoàn bộ binh 2 (Đức) nhanh chóng cơ động theo hướng Đông Bắc dọc theo con đường nhựa đi Daugavpils. Ngày 25 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 56 phải mất một ngày để vượt qua sức kháng cự của Sư đoàn bộ binh 23 và Lữ đoàn pháo chống tăng 10 bảo vệ Ukmergė. Sau khi bị mất hơn 40 xe tăng và xe bọc thép, Quân đoàn xe tăng 56 (Đức) đã đè bẹp sức kháng cự của Sư đoàn Bộ binh 23 (Liên Xô) và tăng tốc độ hành quân. 8 giờ sáng ngày 26 tháng 6, Quân đoàn xe tăng 56 và Quân đoàn bộ binh 2 (Đức) đã có mặt ở Daugavpils và chiếm lĩnh hai cây cầu qua sông gần như còn nguyên vẹn. Sư đoàn cơ giới 3 và Sư đoàn cơ giới SS "Đầu lâu" được điều từ thê đội 2 lên thê đội 1, nhanh chóng vượt sông và đánh chiếm một đầu cầu rộng lớn từ Jēkabpils, phía Bắc Daugavpils đến Krāslava.[9]

Ngày 27 tháng 6, nhận được tin xe tăng Đức đã ở hữu ngạn sông Tây Dvina, Bộ Tổng tham mưu Liên Xô lập tức ra lệnh cho tướng D. D. Lelyushenko hủy bỏ nhiệm vụ phòng thủ tại Ukmergė lúc này đã nằm sâu trong phòng tuyến của quân Đức. Quân đoàn cơ giới 21 có nhiệm vụ đẩy lùi quân Đức trở tại tả ngạn sông Tây Dvina và sau đó, phối hợp với Cụm đặc nhiệm của tướng S. D. Akimov vượt sông, đánh bật quân Đức khỏi Daugavpils. Tuy nhiên, do không nhận được thông tin về chiến dịch phối hợp, sáng 27 tháng 6, tướng S. D. Akimov đã huy động cụm đặc nhiệm của mình và Sư đoàn đổ bộ đường không 5 lao vào cuộc phản công sớm chống lại Sư đoàn xe tăng 8 và Sư đoàn bộ binh 290 (Đức) ở phía Đông Daugavpils, trên tả ngạn sông Tây Dvina. Cùng thời điểm đó, Quân đoàn cơ giới 21 còn đang đổ quân tại nhà ga Rēzekne, cách Daugavpils 35 km về phía Đông Bắc. Cuộc phản công thất bại, Cụm đặc nhiệm của tướng S. D. Akimov bị thiệt hại nặng nề và phải rút sang hữu ngạn sông Tây Dvina.[40]

Ngày 28 tháng 6, Quân đoàn cơ giới 21 buộc phải đưa từng sư đoàn vào giao chiến tại Đông Bắc Daugavpils mà không thể tập hợp đầy đủ đội hình của quân đoàn do thời gian quá gấp gáp. Nhưng do vị trí hiểm yếu của Daugavpils nằm ở nơi tiếp giáp giữa Phương diện quân Tây BắcPhương diện quân Tây, việc chiếm lại Daugavpils có ý nghĩa quan trọng đối với ý đồ ổn định mặt trận phía Tây và Tây Bắc. Mặc dù chỉ có hơn 10 xe tăng T-34 và vài chiếc KV-1 nhưng các tiểu đoàn xe tăng của các thiếu tá Egorov và Moskalyov thuộc Sư đoàn xe tăng 46 do đại tá Koptsov vẫn xông vào cuộc chiến. Các xe tăng Pz-IIIPz-IV của quân Đức dễ dàng đốt cháy hơn chục chiếc BT-7T-26 nhưng không thể khuất phục được mấy chiếc KV-1T-34. Chiều 28 tháng 6, Sư đoàn xe tăng 46 (Liên Xô) đã đẩy lùi Sư đoàn cơ giới 3 về bên kia sông Tây Dvina. Quân Đức để lại trên trận địa 13 xe tăng và quân số khoảng 1 tiểu đoàn bộ binh. Trên cánh trái, Sư đoàn bộ binh cơ giới 185 cũng tấn công vào Sư đoàn cơ giới SS "Totenkorf" nhưng không đạt được mục tiêu cuối cùng. Sư đoàn này bị Sư đoàn cơ giới SS "Totenkorf" chặn đứng khi chỉ còn cách Daugavpils 15 đến 20 km về phía Đông.[5]

Ngày 29 tháng 6, Sư đoàn xe tăng 42 đã tập hợp đầy dủ đội hình và bước vào cuộc chiến ở phía Bắc Daugavpils hơn 20 km. Tướng Erich von Manstein phải điều Sư đoàn xe tăng 8 vượt sông sang thay thế cho Sư đoàn cơ giới 3 đã mất sức chiến dấu. Ngay khi vừa sang sông, sư đoàn này đã có trận tao ngộ chiến với Trung đoàn xe tăng 91 do Lữ đoàn trưởng bậc 2 Ivan Pavlovich Sereda chỉ huy và Trung đoàn xe tăng 45 do thiếu tá P. M. Goryanov chỉ huy. Kết quả trận tao ngộ chiến trên đầu cầu đường sắt phía Bắc Daugavpils bất phân thắng bại. 52 xe tăng Đức bị bắn cháy, 59 pháo và 58 súng cối bị thu giữ hoặc phá hủy, khoảng 2.500 quân Đức bị loại khỏi vòng chiến, trong đó có 600 người bị bắt làm tù binh. Quân đội Liên Xô cũng phải trả giá không nhỏ với hơn 40 xe tăng bị phá hủy, hàng nghìn người chết và bị thương. Trong khi Quân đoàn cơ giới 21 (Liên Xô) tổn thất khoảng 50% binh lực thì Quân đoàn cơ giới 56 (Đức) vẫn còn hơn 200 xe tăng và xe bọc thép đang hoạt động tốt. Tuy nhiên, tướng Erich von Manstein đã phải dừng cuộc đột kích của Quân đoàn xe tăng 56 (Đức).[40] Trong cuốn hồi ký sau chiến tranh, Erich von Manstein thừa nhận:

Sức đề kháng của đối phương ngày một tăng lên với nhiều tuyến phòng thủ được tổ chức một cách có hệ thống hơn sau những ngày đầu của cuộc chiến.
— Erich von Manstein.[37]

Thành công tạm thời của Quân đoàn xe tăng 21 (Liên Xô) vẫn không thể làm thay đổi tình thế mặt trận Tây Bắc. Từ ngày 1 đến ngày 3 tháng 7, thống chế Wilhelm Ritter von Leeb tập trung Quân đoàn xe tăng 41, các quân đoàn bộ binh 10, 28 và 38 chọc thủng phòng tuyến sông Tây Dvina của quân đội Liên Xô tại 3 vị trí dọc sông từ Pļaviņas qua Jēkabpils đến Līvāni và đột kích lên hướng Pskov. Trước nguy cơ bị hở sườn, Quân đoàn cơ giới 21 (Liên Xô) buộc phải bỏ dở cuộc phản công vào Daugavpils và rút về phía sau, cùng với các sư đoàn bộ binh 112, 181 và Sư đoàn cơ giới 153 lập tuyến phòng thủ mới từ Kārsava qua Rēzekne, Dagda đến Krāslava.[41]

Trận phòng ngự Pskov

Trận phòng ngự Pskov là trận đánh lớn cuối cùng trong chuỗi trận đánh của Chiến dịch phòng thủ chiến lược vùng Pribaltic. Sau khi đánh bại Phương diện quân Tây Bắc (Liên Xô) trong các trận hội chiến biên giới, ngày 2 tháng 7 năm 1941, quân đội Đức Quốc xã tiếp tục tấn công. Lực lượng đột kích chủ yếu của Cụm tập đoàn quân Bắc là Tập đoàn quân xe tăng 4 do tướng Erich Hoepner chỉ huy với 3 sư đoàn xe tăng và 3 sư đoàn cơ giới đã triển khai đòn tấn công vào Rēzekne và hướng đến khu vực Ostrov - Pskov trên biên giới Nga - Estonia.

Ngay từ ngày 25 tháng 6, Phương diện quân Tây Bắc đã được Bộ tổng tư lệnh quân đội Liên Xô tăng viện Quân đoàn bộ binh của thiếu tướng I. S. Kosobutski gồm ba sư đoàn bộ binh và Quân đoàn cơ giới 1 do thiếu tướng M. L. Cherniavsky chỉ huy với nhiệm vụ phòng thủ hướng Pskov. Tuy nhiên, nhiều đơn vị của các quân đoàn này vẫn chưa đến khu vực chiến sự. Tiếp cận chiến trường đầu tiên là Sư đoàn bộ binh 111 đến từ Yaroslavl và Sư đoàn bộ binh 118 đến từ Kostroma. Các chuyến xe lửa đầu tiên chở sư đoàn bộ binh 235 của quân đoàn 41 theo dự kiến phải đến ngày 5 tháng 7 mới tới nơi. Kết quả là ngày 3 tháng 7, cánh quân xe tăng Đức đã đi trước quân đội Liên Xô, đánh chiếm Rēzekne, chia cắt tập đoàn quân 8 với tập đoàn quân 27 (Liên Xô). Trong đó, địa đoạn Ostrov - Pskov là nơi xung yếu nhất.

Ngày 4 tháng 7, Sư đoàn xe tăng 1, đơn vị đi đầu của tập đoàn quân xe tăng 4 (Đức) đã tấn công Ostrov và đánh chiếm các cứ điểm trong khu phòng ngự này. Phương diện quân Tây Bắc, tướng P. P. Sobelnikov yêu cầu Trung đoàn bộ binh độc lập 1 của Quân đoàn bộ binh 41 và Sư đoàn cơ giới 3 (thiếu 1 trung đoàn bộ binh cơ giới) thuộc Quân đoàn cơ giới 1 đã đến mặt trận phải phản kích ngay để khôi phục tình hình. Qua điện thoại với tư lệnh quân đoàn bộ binh 41 I. S. Kosobutski; tham mưu trưởng mới của phương diện quân, trung tướng N. F. Vatutin (nguyên Phó tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô) đã yêu cầu:

Muốn ngăn chặn địch thì không được để cho chúng vượt sông. Phải cố gắng đánh địch trong mọi tình huống để loại trừ nguy cơ đó. Hãy nhớ rằng, nhiệm vụ tiêu diệt kẻ thù được giao cho cá nhân đồng chí, và đồng chí hoàn toàn tự chịu trách nhiệm. Để thực hiện lệnh này, đồng chí hãy trả lời bằng cái đầu của mình.
— N. F. Vatutin

Ngày 5 tháng 7, quân đội Liên Xô phản công và lấy lại được Ostrov nhưng ngay ngày hôm sau, các sư đoàn xe tăng 1 và 6 (Đức) đã đẩy lùi cuộc phản công này, thậm chí còn mở rộng tấn công về hướng Pskov. Mãi đến chiều ngày 6 tháng 7, sư đoàn bộ binh 235 mới đến chiến trường. Ngày 7 tháng 7, quân đội Liên Xô tiếp tục phản kích nhưng không thành công. Việc tung từng sư đoàn quân Liên Xô ra chặn kích chỉ làm cho quân Đức dễ dàng "bẻ đũa từng chiếc". Đêm ngày 7 tháng 7, Bộ tư lệnh Phương diện quân Tây Bắc quyết định rút các lực lượng của mình khỏi Pskov.

Ngày 8 tháng 7, đã xảy ra một sự nhầm lẫn tai hại bắt đầu từ việc thiếu kiểm tra và quy định các tuyến rút quân tại quân đoàn cơ giới 12 và các đơn vị hậu vệ của các tập đoàn quân 8 và 27. Việc để cho các đơn vị thất trận liên tục rút qua trận địa phòng ngự của Quân đoàn bộ binh 41 đã làm cho nhiều binh sĩ của đơn vị này hoang mang và mất tinh thần. Sự việc càng trầm trọng hơn do không quân Đức liên tục tiến hành các đợt oanh kích vào các đoàn quân Liên Xô đang rút lui. Các tuyến đường giao thông bị máy bay cường kích Đức khống chế, gây khó khăn cho việc tiếp tế vũ khí, đạn dược, lương thực cho các đơn vị đang chiến đấu.[42]

Ngay trong buổi sáng ngày 8 tháng 7, quân Đức đã vượt sông và bám trụ được trên bờ bắc sông Cheryokha và mở rộng căn cứ bàn đạp sang khu vực ngoại ô phía nam Pskov. Chỉ huy sư đoàn bộ binh 118, thiếu tướng N. M. Glovatsky yêu cầu cho quân của mình đi ngang qua trận tuyến nhưng tư lệnh quân đoàn 41, thiếu tướng I. S. Kosobutski không chấp nhận. Điều đó đã khởi đầu cho một cuộc rút quân hỗn loạn qua các cây cầu ở Pskov mà không được chuẩn bị trước. Trên bờ tây sông Cheryokha, các sư đoàn 111, 118 và một phần sư đoàn 25 bị thiệt hại lớn về người và phương tiện. Những bộ phận còn lại của các đơn vị này đã được sáp nhập vào quân đoàn bộ binh 41 và được ném ngay trở lại mặt trận trên khu vực Gdov (sư đoàn bộ binh 118) và Luga (các sư đoàn 111, 25 và lữ đoàn bộ binh 90). Ngày 9 tháng 7, quân Đức chiếm Pskov. Điều đó có nghĩa là Cụm Tập đoàn quân Bắc (Đức) đã có thêm một căn cứ bàn đạp quan trọng để chuẩn bị cho cuộc tấn công Leningrad.

Vì để mất Pskov, thiếu tướng N. M. Glovatsky bị tòa án binh kết án tử hình và bị xử bắn ngày 3 tháng 8 năm 1941, thiếu tướng I. S. Kosobutski, tư lệnh Quân đoàn bộ binh 41 bị xử án tù 10 năm, đến tháng 10 năm 1942 được phục hồi, trở lại tham gia chiến đấu và được phong quân hàm trung tướng năm 1944. Trưởng phòng kỹ thuật quân sự của Quân đoàn bộ binh 41, kỹ sư quân sự bậc 2 Golovlev cũng bị xử bắn trong tháng 7 theo bản án của tòa án quân sự Phương diện quân Tây Bắc.[43]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Mặt_trận_Baltic_(1941) http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://www.armchairgeneral.com/rkkaww2/maps/1941NW... http://rus-sky.com/history/library/w/w06.htm#_Toc5... http://ww2stats.com/cas_ger_okh_dec41.html http://data.lnb.lv/nba01/Tevija/1941/Tevija1941-05... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/d/dd... http://upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/e/ed... http://militera.lib.ru/h/1941/03.html http://militera.lib.ru/h/achkasov_pavlovich/04.htm...